Hiệu quả từ mô hình trường học mới (VNEN)

HIỆU QUẢ TỪ MÔ HÌNH TRƯỜNG HỌC MỚI (VNEN)                                                                                                                                                                     

Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo – Huỳnh Thị Huệ

      Với quan điểm giáo dục định hướng phát triển năng lực người học, phẩm chất của từng cá nhân học sinh (HS), trong đó, coi trọng giáo dục lấy HS làm trung tâm, mô hình trường học mới (Gọi tắt là mô hình VNEN) được triển khai ở Việt Nam từ năm học 2009-2010. Tỉnh Long An triển khai mô hình này từ năm học 2012-2013, chỉ duy nhất ở trường Tiểu học An Khương Thới, huyện Châu Thành. Lúc ấy, còn rất nhiều khó khăn từ công tác quản lý đến đội ngũ giáo viên (GV) và cơ sở vật chất dạy học. Đến năm học 2014-2015, Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) chỉ đạo nhân rộng  mô hình VNEN đến 20 trường tiểu học thuộc 15 huyện, thị xã, thành phố. Đến năm học 2016-2017, nâng số trường triển khai mô hình VNEN trên phạm vi toàn tỉnh là 36 trường, với 352 lớp, 10.235 HS. Qua 4 năm thực hiện, đã tạo được những đổi mới rõ rệt trong lĩnh vực giáo dục tiểu học. Các trường tham gia thực hiện mô hình VNEN tạo được những chuyển biến rõ nét.

       Theo đó, trường có sự đổi mới về không khí học tập, các mối quan hệ tương tác trong và ngoài nhà trường bước đầu được cải thiện, hướng về người học, hướng về phát triển năng lực đối với HS. Các em chủ động trong các hoạt động giáo dục như điều khiển các hoạt động của lớp, của nhóm, tự tin, mạnh dạn tham gia các hoạt động tập thể, quen dần cách làm việc trong môi trường tương tác, HS có nền nếp tốt trong tổ chức và tham gia các hoạt động học tập. HS được tự học thông qua tương tác với sách giáo khoa (học cá nhân, đọc và suy ngẫm), thảo luận cặp đôi và thảo luận trong nhóm, trong lớp và thảo luận với GV để tự lĩnh hội kiến thức mới, rèn luyện kỹ năng, phát triển phẩm chất và năng lực.

    Lớp học có Hội đồng tự quản HS do tập thể lớp bầu ra, tự quản và dân chủ trong hoạt động, qua đó, HS phát huy tính tích cực, tự tin, tự giác hòa nhập với tập thể và phát huy tốt nhất năng lực, phẩm chất cá nhân và giá trị thực chất của mỗi em.

01

    GV đổi mới phương pháp dạy học, chuyển đổi từ cách dạy giảng giải, truyền thụ kiến thức cho cả lớp sang tổ chức, hướng dẫn HS hoạt động học tập thông qua các hình thức học cá nhân, học theo nhóm; chú ý quan tâm đến từng HS. Phương pháp dạy học mới đã giúp cho GV trưởng thành hơn trong việc tổ chức hoạt động học của HS, GV đã biết chọn thời gian hướng dẫn, thời gian quan sát phù hợp. GV luôn theo sát từng em HS, giao bài cho các em phù hợp nên hiệu quả giờ học luôn đạt mục tiêu đề ra. Việc theo sát HS trong quá trình học giúp cho GV có cơ hội và hiểu rõ hơn HS của mình, từ đó, mối quan hệ giữa GV và HS gắn kết hơn.

03

    Các lớp học được trang trí theo mô hình VNEN có không gian dành cho HS trưng bày các sản phẩm học tập, tủ sách lớp học, đồ dùng học tập,…đã thực sự thu hút các em HS, các em thích đi học hơn, thích cùng các bạn trang trí cho lớp mình và cùng các bạn bảo vệ, giữ gìn các sản phẩm của lớp.

    Việc đánh giá HS theo nguyên tắc đánh giá vì sự tiến bộ của HS, chú trọng đánh giá ngay trong quá trình học, chấp nhận sự khác biệt của từng HS, không dùng điểm số trong đánh giá thường xuyên, không so sánh các HS với nhau, HS được tự đánh giá và đánh giá bạn.

    Các bậc cha mẹ học sinh (CMHS) thực sự nhận thấy cần thiết phải phối hợp và tạo điều kiện cho con em học tập. Mô hình VNEN đã đổi mới về cách thức huy động sự tham gia của CMHS, cộng đồng trong quá trình giáo dục. Mỗi bài học đều có phần yêu cầu HS vận dụng hoặc tìm hiểu kiến thức từ thực tế địa phương, gia đình. Các em mạnh dạn tìm hiểu, học hỏi từ người khác thì mới đạt kết quả tốt. Nhà trường chủ động đề xuất những nội dung cụ thể để cộng đồng, CMHS tham gia hỗ trợ nhà trường, hỗ trợ HS; được mời cùng dự và tham gia các hoạt động giáo dục của nhà trường.

  Mô hình VNEN trong thời gian qua thực hiện đổi mới quản lý nhà trường theo hướng dân chủ hóa, xã hội hóa, giao quyền và tạo cơ chế tự chủ cho GV và tự quản của HS.

   Những đổi mới này đã và đang tác động trực tiếp tới 3 chủ thể chính của giáo dục là GV, HS và CMHS, với những mức độ khác nhau ở các trường, các địa phương, đã tạo ra những thay đổi tích cực trong dạy và học. Thứ trưởng Bộ GD&ĐT- Nguyễn Vinh Hiển khẳng định: Mô hình VNEN triển khai trong một thời gian ngắn, nhưng đã đạt kết quả rất tốt, tạo bước chuyển quan trọng về nhận thức và cách thức thực hiện mục tiêu giáo dục là nhằm phát triển phẩm chất và năng lực HS. Điều quan trọng nhất là thực hiện dân chủ hóa trong giáo dục để phát huy tiềm năng và sự sáng tạo của HS; dân chủ giữa HS với GV, giữa HS với nhau và giữa nhà trường với CMHS, cộng đồng. Về phương pháp dạy học, mô hình VNEN đã thiết kế một quy trình ổn định, mang tính chung nhất của mọi phương pháp dạy học tích cực, theo đúng logic biện chứng của hoạt động nhận thức khoa học, trong đó HS được chủ động tự học trong sự tương tác với bạn, dưới sự theo dõi, chỉ đạo và hỗ trợ của GV. Khi GV bình đẳng với hiệu trưởng, HS bình đẳng với GV, nhà trường gắn kết và biết phát huy vai trò của gia đình, xã hội, thì cả GV, HS và cộng đồng xã hội cùng phát triển.

    Trước những kết quả bước đầu của các trường thực hiện mô hình VNEN rất đáng phấn khởi, năm học 2006-2017 và các năm tiếp theo, Sở GD&ĐT Long An sẽ tiếp tục chỉ đạo nhân rộng mô hình này ở các trường tiểu học trong tỉnh. Tin tưởng rằng, cùng với sự cố gắng, nỗ lực, quyết tâm đổi mới của cán bộ quản lý, GV, sự ủng hộ của cộng đồng việc triển khai nhân rộng mô hình VNEN tại các trường tiểu học nhất định thành công.

 

Chú thích ảnh:

1- Tổ trưởng tổ chức cho các bạn chia sẻ trong nhóm

2- Học sinh Trường Tiểu học thị trấn Vĩnh Hưng, huyện Vĩnh Hưng  làm việc cá nhân trong hoạt động thực hành

3- Học sinh làm việc đôi trong hoạt động thực hành

Ảnh Ngọc Thạch

Nguồn Báo Long An