Những lớp học tình thương nơi biên giới

Những lớp học tình thương nơi biên giới

6..11 CAC EM DUNG CHAO KHI CO NGUOI LA DEN

Không tiền bạc, đất đai, nhà cửa, ngay cả một tờ giấy khai sinh cũng không có, từ giã cuộc sống lang bạt, nổi trôi nơi đất khách, quê người, những Việt kiều từ Campuchia trở về quê hương mang theo cả cái nghèo và mọi sự thiệt thòi, kể cả cơ hội học tập. Điều may mắn là họ nhận được sự cưu mang giúp đỡ từ những người lính Biên phòng…

Cùng với nhiệm vụ bảo vệ vững chắc chủ quyền biên giới, một số Đồn Biên phòng đóng trên địa bàn các huyện biên giới còn thực hiện nhiệm vụ đưa con chữ đến với bà con Việt kiều nghèo.

Lớp học đêm

6..11 THAY LINH TRONG GIO ON TAP CHO CAC EM

Vào buổi tối một ngày đầu tháng 11, chúng tôi được cán bộ Biên phòng đưa đến thăm lớp học tình thương ban đêm tại ấp Bình Châu, xã Tuyên Bình, huyện Vĩnh Hưng. Biên giới vào đêm yên ả, vắng lặng. Ánh đèn điện hắt nhẹ từ những ô cửa sổ lớp học tình thương như đốm sáng giữa không gian tĩnh mịch. Bên trong lớp học, những ánh mắt trẻ thơ trong veo đang chăm chú nhìn lên bảng, nơi người thầy trong bộ quân phục đang say sưa dạy cách ghép vần cho những học sinh. Tiếng đánh vần ê a trong đêm tối làm chộn rộn vùng quê. Các học sinh trong lớp với những bộ quần áo khác nhau, có em quần dài, áo sơ mi, có em chỉ là quần đùi, áo thun bạc màu, có em chỉ mới 7, 8 tuổi cũng có em 16, 17 tuổi. Lúc giải lao, em Đỗ Thị Nỡ, 10 tuổi cho biết: Con muốn biết chữ lắm nhưng nhà con nghèo, không có tiền phải chịu. Khi các chú bộ đội mở lớp, con rất vui vì con được học chữ, con sẽ cố gắng học tập thật tốt”

6.11 DAY CAC EM DANH VAN

Thiếu tá Đỗ Văn Long, chính trị viên Đồn Biên phòng Tuyên Bình cho biết, lớp học được duy trì từ 19 giờ đến 21 giờ hằng ngày, phải tổ chức vào buổi tối vì ban ngày phải lo cuộc mưu sinh, phụ giúp gia đình… nên buổi tối mới tranh thủ đi học. Hiện tại, có 41 học sinh là con em của các hộ Việt kiều từ Campuchia trở về theo học. “Để đưa được con chữ đến với các em, chúng tôi tham mưu cấp ủy, chính quyền địa phương mở lớp học, kiên trì đến từng nhà vận động các em đi học; vận động mạnh thường quân ủng hộ tập vở, dụng cụ học tập”- anh Long chia sẻ.

“Nghiêm……chúng con chào chú!”. Các em lớp học tình thương ở ấp 2, xã Hưng Điền A, huyện Vĩnh Hưng đón chúng tôi với nụ cười hồn nhiên. Lớp do cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Bến Phố phụ trách. Sáng hôm đó, mặc dù trời mưa nhưng các em vẫn đến lớp đầy đủ 14/14 em. Lớp học tình thương ở đây được bố trí học chung với học sinh tiểu học, tại điểm phụ của trường Tiểu học xã Hưng Điền A nên được duy trì theo chế độ, giờ giấc chính quy của nhà trường. Hiện tại có 20 em theo học trong đó 14 em lớp 1, 6 em lớp 2.

 Thiếu tá Hoàng Văn Dũng, chính trị viên Đồn Biên phòng Bến Phố cho biết: Đây là năm thứ 5 Đồn tổ chức giảng dạy, những năm đầu giảng dạy chủ yếu cho các em học sinh nghèo trên địa bàn Đồn phục trách. Đặc biệt vào năm 2015 đơn vị tổ chức giảng dạy cho các em là Việt kiều từ Campuchia trở về. Tuy lớp học mới mở gần đây nhưng đến nay, các em biết đọc, biết ghép vần. Ngoài dạy kiến thức, học sinh lớp học tình thương còn dạy những quy tắc ứng xử trong cuộc sống, giáo dục tình yêu thương, giúp đỡ bạn bè và biết vâng lời ông bà, cha mẹ

Hết mình vì học sinh thân yêu

6.11 THAY HUNG BEN HOC TRO THAN YE CUA MINH

Dù lắm nhọc nhằn nhưng những lớp học mà người lính biên phòng vào vai thầy giáo vẫn được duy trì nhiều năm chỉ vì mong muốn được mang con chữ đến với các em. Binh nhất Nguyễn Thành Hưng phụ trách học tình thương ở Đồn Biên phòng Tuyên Bình tâm sự: “Mình là người lính, không có nghiệp vụ sư phạm nên phải cố gắng nhiều để có thể truyền đạt kiến thức một cách dễ hiểu nhất”. Chúng tôi hỏi: “Làm sao để học viên tham gia đầy đủ các buổi học?”, thầy Hưng cười: “Muốn vậy mình phải nhiệt tình, phải hiểu hoàn cảnh của các em để khéo léo động viên. Nếu có em nghỉ học, mình phải tới nhà vận động liền.

Đến với lớp học tình thương do Đồn Biên phòng Bến Phố tổ chức, chúng tôi  được người dân kể nhiều chuyện cảm động về “thầy giáo quân hàm xanh” Nguyễn Văn Linh luôn tận tâm, tận lực, khắc phục khó khăn trong giảng dạy. Hình ảnh người chiến sĩ Biên phòng trên chiếc xe đạp cũ, mỗi ngày 4 lượt đi – về trên quãng đường gần chục km trở nên quen thuộc trong mắt mọi người dân nơi biên giới. Quê ở huyện Tân Hưng, nhập ngũ vào lực lượng Bộ đội biên phòng từ tháng 2-2016. Sau những tháng huấn luyện chiến sĩ mới, Nguyễn Văn Linh được phân công về Đồn Biên phòng Bến Phố. Với tư chất thông minh lại siêng năng và chịu khó nên Linh được chỉ huy đơn vị giao nhiệm vụ trực tiếp giảng dạy tại lớp học tình thương này. Thầy Linh bộc bạch: “Dù chưa một ngày học sư phạm, đứng trên bục giảng nhưng nghĩ đến các em một chữ bẻ đôi chưa biết nên dẫu nhọc nhằn, gian khó, tôi cũng cố gắng hết mình để tròn vai một thầy giáo. Chỉ cần nghe các em đọc trọn một bài tập đọc, viết được những từ đã học là tôi vui lắm rồi!”.

 “Có những hôm trời mưa bất chợt, thầy Linh dành áo mưa của mình cho học sinh, còn thầy ướt đẫm. Đường đến trường bùn sình trơn trượt nhưng thầy không để học sinh của mình ướt và dơ bẩn. Thầy cho học sinh ngồi trên yên xe đạp, cố gắng đẩy nhích từng đoạn đường để đưa học sinh về nhà. Nhìn thầy như vậy, dù có nghèo khổ, khó khăn đến mấy, chúng tôi cũng phải quyết cho con đến lớp học”- chị Lê Thị Sao, phụ huynh em Nguyễn Thị Hằng nói.

Mong rằng, những lớp học tình thương như thế được duy trì để những đứa trẻ trở về từ bên kia biên giới được con chữ như niềm ao ước của các em, nỗi lòng của người thầy giáo mang quân hàm xanh. Hy vọng rồi đây đời sống của người dân nơi đây sẽ đổi thay, các em có cuộc sống tươi sáng hơn.

                                                                                               Văn Đát

Nguồn Báo Long An