TTO – “Nhẫn” là một trong những bài học răn dạy con người tu tâm dưỡng tính. Và có lẽ nhà giáo là người cần trau dồi nhiều hơn chữ “nhẫn” để giữ nghề, tồn tại với nghề.
Tôi không hề có ý định cổ vũ việc sử dụng đòn roi trong giáo dục, không hề cổ xúy cho những lời lẽ to tiếng, nặng nề mà giáo viên có thể làm tổn thương thân thể, nhân cách học sinh. Nhưng quả thật, cái uy của người thầy, sự nghiêm khắc của nhà giáo đang dần mất đi trước những áp lực vô hình từ phụ huynh và xã hội” |
Áp lực công việc thời nào cũng có, nhưng chưa bao giờ những cái khó trong giáo dục đạo đức, nhân cách học sinh lại bủa vây nhà giáo như bây giờ. Một người bạn của tôi thường ta thán mỗi khi gần như bất lực trước học sinh cá biệt: “Giáo viên đang ra mặt trận mà vũ khí bị tước mất tiêu!”.
“Mặt trận” giáo dục ấy có phần gian nan ở khâu dạy chữ, nhưng quá nhọc nhằn nhiệm vụ dạy người. “Vũ khí” mà nhà giáo cần là cái uy, sự nghiêm khắc của người thầy đang bị bào mòn từng chút một.
Nhẫn nại, chịu đựng… là tình cảnh chung của khá nhiều giáo viên đang trực tiếp giảng dạy ở cấp THCS. Nói thế không có nghĩa là các cấp học khác dễ dàng, thoải mái trong việc giáo dục đạo đức học sinh. Tuy nhiên, các cháu tiểu học có thể được “gò” vào khuôn khổ nhờ những “chiêu” như dọa nạt, dụ dỗ…
Còn học sinh cấp III đã đủ lớn để ý thức điều nên và không nên làm, có thể tự điều chỉnh phần nào đó thái độ, hành vi của chính mình. Chỉ có lứa tuổi cấp II “dở dở ương ương”, với những biến đổi tâm sinh lý phức tạp, đi kèm sự khẳng định cái tôi to đùng, ước muốn thể hiện bản thân… làm đau đầu người thứ hai trong cuộc – chính là giáo viên.
Mỗi khi báo chí đưa ra vụ việc giáo viên đánh học sinh nào đó, khá nhiều “gạch đá” đã ném về phía thầy cô với tất cả sự phẫn nộ và chỉ trích gay gắt.
Trên các diễn đàn tranh luận về đòn roi trong giáo dục, nhiều người lên tiếng: “Đòn roi là phản giáo dục”, “Người thầy bất lực mới sử dụng đòn roi”, “Đánh học sinh là vi phạm đạo đức nhà giáo”… Tuy nhiên, ai trong “cảnh khổ” mới thấu hiểu nỗi lòng trăn trở, day dứt của người thầy về điều nói trên.
Nhà giáo được học đủ cả, từ những bài học về tâm sinh lý lứa tuổi vị thành niên, kỹ năng kiềm chế và kiểm soát hành vi, quy tắc ứng xử văn hóa, đến những phương pháp giáo dục tích cực… Nhưng sự khập khiễng giữa lý thuyết và thực tiễn quá xa vời.
Hãy thử trải nghiệm vai trò làm giáo viên trực tiếp đứng lớp có vài học sinh cá biệt, có lẽ nhiều người sẽ thay đổi suy nghĩ.
Học sinh bây giờ không như các thế hệ trước, vốn ngoan ngoãn và thuần tính. Các cháu hiếu động, nghịch ngợm, lắm trò hơn gấp bội. Trong số đó có không ít trẻ lì lợm, khó bảo, thậm chí là cá biệt.
Ngày trước, trò không học bài vẫn nơm nớp lo sợ, trống ngực đập thình thình mỗi khi cô giáo giở sổ gọi tên. Giờ thì một số em vẫn nhởn nhơ đến lớp chẳng màng sách vở. Điệp khúc “con không học bài” thản nhiên vang lên, chẳng chút e sợ. Vô lễ, đánh nhau, trốn học, trộm cắp, phá bàn ghế… vẫn diễn ra và lặp đi lặp lại.
Biện pháp giáo dục, uốn nắn, rèn giũa các em bây giờ có gì? Là nhắc nhở, phê bình trước lớp, ghi tên vào sổ đầu bài, giáo viên chủ nhiệm mời phụ huynh, cảnh cáo trước học sinh toàn trường. Cao nhất là lập hội đồng kỷ luật đình chỉ việc học nhưng ít khi sử dụng, ngoại trừ các trường hợp vi phạm cực kỳ nghiêm trọng.
Vậy là giáo viên cứ loay hoay mãi với các nhóm giải pháp dùng lời nói để nhắc nhở, dùng tình yêu thương để cảm hóa. Nhưng có phải bao giờ “mật ngọt” cũng phát huy tác dụng đâu. Hiện trạng học sinh “lờn thuốc”, “nhờn mặt” đã xảy ra. Những vi phạm cứ lặp đi lặp lại như thách thức, trêu ngươi, nhức nhối…
Ngay đến một lỗi nhỏ như nói chuyện riêng trong giờ học, dù bị nhắc nhở nhiều lần, có em vẫn cứ tái phạm, nhiều giáo viên đành phải chọn giải pháp im lặng, chẳng la chẳng đánh cho yên chuyện.
Biết đâu có một chiếc điện thoại nào đó đang chực chờ sẵn, chỉ cần một lời la mắng nóng nảy, một thước kẻ vụt vào tay, hay hình phạt đứng tại chỗ, đứng góc lớp diễn ra, là y như rằng giáo viên “rước họa vào thân”.
Tôi không hề có ý định cổ vũ việc sử dụng đòn roi trong giáo dục, không hề cổ xúy cho những lời lẽ to tiếng, nặng nề mà giáo viên có thể làm tổn thương thân thể, nhân cách học sinh. Nhưng quả thật, cái uy của người thầy, sự nghiêm khắc của nhà giáo đang dần mất đi trước những áp lực vô hình từ phụ huynh và xã hội.
Một roi vào mông để răn dạy, một cái nhéo tai để nhắc nhở, một buổi vệ sinh lớp học để uốn nắn học sinh trước lỗi lầm… khác hoàn toàn với hình phạt đòn roi tới tấp theo kiểu bạo lực, bạo hành thân thể học sinh. Tuy nhiên, đâu phải lúc nào phụ huynh và xã hội cũng thấu hiểu và thông cảm cho giáo viên?
Những vụ việc phụ huynh xông vào trường đánh cô giáo, không tiếc lời mắng nhiếc giáo viên trên mạng xã hội, hay gửi đơn tố cáo thầy cô với cơ quan chức năng vẫn diễn ra nhan nhản. Người thầy thật sự chùng lòng trong cách giáo dục học sinh. Và trò được sự “chống lưng”, “bảo kê” của cha mẹ nên không hiếm trẻ “coi trời bằng vung”.
Dù lắm lúc chính phụ huynh nhờ cậy rõ ràng: “Nếu cháu hư, cô cứ đánh để răn dạy”, nhưng thú thật tâm huyết giáo dục nhân cách học sinh trong chúng tôi giờ đây đã có giới hạn.
Thôi thì nghiền ngẫm kỹ hơn bài học về chữ “nhẫn”, bởi không ai dại dột gánh lấy tai tiếng, thị phi. Nhưng nhìn trò hư mà không dạy dỗ tới nơi tới chốn, lại cắn rứt lương tâm.
Nỗi lòng này có ai đó đồng cảm không?
MAI THI